Cần chuẩn bị những gì trước khi phẫu thuật?

Thứ hai, 11/09/2023

Sự chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật là một công tác quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình và kết quả phẫu thuật. Công tác chuẩn bị tốt sẽ có thể hạn chế tối đa các tai biến, bất thường trong quá trình tiến hành phẫu thuật. Ngược lại, công tác chuẩn bị chưa tốt sẽ ảnh hưởng xấu tới kết quả phẫu thuật, thậm chí còn ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng con người. Vậy cần chuẩn bị những gì trước khi phẫu thuật hãy cùng Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt tìm hiểu!

1. Chuẩn bị tại nhà trước khi thực hiện phẫu thuật

❊ Tình trạng thể chất

  • Người bệnh nên được chuẩn bị rất tốt về chế độ dinh dưỡng trước phẫu thuật. Chế độ ăn nên giàu chất đạm, giàu dinh dưỡng và vitamin, đặc biệt những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt để nâng cao thể trạng.
  • Nên chọn các loại thức ăn phù hợp, dễ tiêu hóa và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Bệnh nhân đái tháo đường cần chọn chế độ ăn điều trị nhằm giảm glucose máu và tránh tình trạng toan máu.
  • Một số trường hợp có bệnh lý đặc biệt như nhiễm khuẩn, bệnh tim, gan, thận …cần có tư vấn của chuyên khoa dinh dưỡng.
hinh-anh-minh-hoa-che-do-an-uong
Hình ảnh minh họa chế độ ăn uống trước khi phẫu thuật

❊ Không hút thuốc

  • Người nghiện thuốc thường gặp các vấn đề về hô hấp trong hoặc sau khi phẫu thuật. Làm tăng nguy cơ viêm phổi, xẹp phổi sau mổ do tăng tiết đờm dãi, dịch nhầy trong khí phế quản.
  • Hút thuốc lá làm giảm lưu thông máu, làm chậm quá trình lành vết mổ, vết mổ sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.
  • Cần dừng thuốc lá trước mổ càng lâu càng tốt, ít nhất là 3 tuần trước mổ để hồi phục enzym và hệ thống miễn dịch, đưa carboxy-Hb về mức bình thường.
 Minh-hoa-khong-hut-thuoc-chuan-bi-truoc-phau-thuat
Hình ảnh minh họa ” Ngừng hút thuốc trước khi thực hiện phẫu thuật ít nhất 3 tháng”

❊ Tránh uống rượu bia

  • Uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục tăng nguy cơ chảy máu, giảm đáp ứng miễn dịch.
  • Rượu khử hydro là một loại men xúc tác tại gan.  Nhiều chất xúc tác ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc gây tê, gây mê.

❊ Tập luyện

  • Nên tập các động tác lý liệu pháp hô hấp như: Tập hít sâu, thở chậm, ho khạc đờm, nằm trên giường tập các động tác co, gấp, duỗi các chi.
  • Nên ngủ sớm, ngủ đủ giấc và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.
hinh-anh-minh-hoa-cham-soc-suc-khoe-chuan-bi-truoc-phau-thuat
Hình ảnh minh họa “Luyện tập sức khỏe” trước khi thực hiện phẫu thuật

2. Ngày nhập viện chuẩn bị trước phẫu thuật

  • Nên đi cùng với người thân, người giám hộ để hỗ trợ người bệnh khi cần (đảm bảo an toàn và lý do pháp lý).
  • Không nên mang trang sức quý giá, đắt tiền đến bệnh viện (chỉ mang những gì cần thiết cho việc thanh toán và các chi phí phát sinh khác).
  • Với bất kỳ thay đổi nào về tình trạng chung của cơ thể, người bệnh / người nhà cần phải báo ngay với bác sỹ hoặc điều dưỡng thăm khám khi vào viện.
  • Các xét nghiệm cận lâm sàng được chỉ định cần bổ sung, hoàn thành trước khi thực hiện phẫu thuật.
  • Một số loại thuốc đặc biệt người bệnh đang sử dụng như thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu, thuốc đái tháo đường, huyết áp, tim mạch… Người bệnh phải báo với bác sỹ điều trị để có hướng dẫn cụ thể. Bác sỹ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi dừng thuốc để đảm bảo an toàn cho phẫu thuật.
  • Nếu người bệnh sốt hoặc cảm lạnh, đến kỳ kinh nguyệt hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác trước phẫu thuật 1 ngày cần báo ngay cho bác sỹ điều trị.

3. Khám tiền mê

Khám tiền mê là một việc cần thiết và bắt buộc trước tất cả các cuộc phẫu thuật. Trong quá trình khám tiền mê bệnh nhân hoặc người thân sẽ gặp gỡ trao đổi giữa bác sĩ gây mê. Khám tiền mê giúp bệnh nhân hiểu rõ quá trình điều trị và giảm bớt phần nào sự lo lắng, căng thẳng.
chuan-bi-truoc-phau-thuat-kham-tien-me
Hình ảnh minh họa “Khám tiền mê”

Khám tiền mê nhằm mục đích:

  • Đánh giá toàn diện chức năng các cơ quan của bệnh nhân.
  • Phương án khảo sát và điều trị trước – trong – sau phẫu thuật,
  • Bổ sung xét nghiệm nếu cần thiết, dự trù máu sử dụng trong phẫu thuật.
  • Thống nhất với phẫu thuật viên thời điểm và phương pháp điều trị tối ưu và xác định nguy cơ phẫu thuật
  • Chọn phương án gây tê, gây mê phù hợp
  • Tiên lượng những khó khăn có thể gặp trong gây mê – phẫu thuật
  • Tiên lượng khả năng chịu đựng của bệnh nhân và khả năng phục hồi
  • Chuẩn bị những phương án xử lý nếu có bất thường xảy ra.
  • Giải thích rõ ràng với bệnh nhân hoặc người thân chuẩn bị về mặt tâm lý
  • Kết quả khám tiền mê được ghi chú vào bảng mẫu khám tiền mê.

4. Hoàn tất thủ tục pháp lý thực hiện trước phẫu thuật, thủ thuật, gây mê

Sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin về phẫu thuật, người bệnh sẽ ký cam kết chấp thuận cho bác sĩ thực hiện phẫu thuật điều trị theo kế hoạch.
hinh-anh-chuan-bi-truoc-phau-thuat-thuc-hien-thu-tuc-phap-ly
Hình ảnh minh họa bệnh nhân thực hiện thủ tục pháp lý trước phẫu thuật

Tùy vào tính chất phẫu thuật, người bệnh có thể được yêu cầu ký cam kết, thủ tục cần thiết bao gồm cả nghĩa vụ tài chính. Người dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký vào những cam kết chấp thuận nói trên.

5. Những điểm lưu ý trước phẫu thuật

  • Tẩy trang và chùi sạch sơn móng tay, móng chân trước khi phẫu thuật
  • Chải và cột gọn tóc
  • Tháo kính áp tròng, tháo răng giả tháo lắp
  • Tháo tất cả đồ trang sức, bao gồm các loại khuyên đeo trên người
  • Mặc quần áo do bệnh viện cung cấp, không mang tất và mặc đồ lót. Mang giày dép thoải mái, không mang giày cao gót, xăng đan hay dép xỏ ngón.
  • Đi tiểu trước khi vào phòng mổ
  • Bệnh nhân nhỏ tuổi cần có bố mẹ hoặc người giám hộ đi kèm
  • Trước khi phẫu thuật, nếu người bệnh có các triệu chứng bất thường như: cảm lạnh, tiêu chảy hoặc sốt… Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê hoặc điều dưỡng tại khoa. Bác sĩ có thể quyết định hoãn thực hiện phẫu thuật cho đến khi tình trạng người bệnh ổn định.

6. Vệ sinh cơ thể trước khi phẫu thuật

Giữ gìn vệ sinh cơ thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng sau mổ. Bệnh viện sẽ hướng dẫn người bệnh sử dụng loại xà phòng và chất khử trùng đặc biệt. Đồng thời yêu cầu người bệnh tắm trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn quy trình vệ sinh cá nhân từ điều dưỡng của bệnh viện

7. Hướng dẫn nhịn ăn uống và sử dụng thuốc trước phẫu thuật

Tùy từng chuyên khoa và tình trạng bệnh lý mà bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê chỉ định thời điểm bệnh nhân nhị ăn, uống.

  • Việc nhịn ăn uống giúp phòng ngừa việc hít các vật thể lạ vào đường thở gây sặc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ gây mê, bác sỹ phẫu thuật là rất quan trọng.
  • Cần từ 6 – 8 giờ sau ăn để dạ dày ở trạng thái trống, an toàn cho việc gây mê, tránh nguy cơ thức ăn và dịch từ dạ dày có thể vào phổi. Do đó người bệnh cần kết thúc bữa ăn trước khi lên phòng mổ khoảng 8 tiếng. Sữa, súp loãng cần kết thúc trước 06 giờ.
  • Người bệnh có thể được uống nước giàu Carbonhydrat nhiều lần trong đêm (nhỏ hơn 200 ml) kết thúc 2 giờ trước khi được gây mê và phẫu thuật. Trẻ em cho bú sữa mẹ trước 04 giờ.
  • Những người bệnh phải nhịn hoàn toàn cả ăn uống bác sĩ sẽ trao đổi cụ thể.

8. Lưu ý về các loại thuốc đang sử dụng trước phẫu thuật

Dff

Bác sĩ sẽ trao đổi và hướng dẫn người bệnh về các loại thuốc người bệnh đang sử dụng:

  • Các loại thuốc gây chảy máu trong phẫu thuật (như thuốc chống đông) có thể được yêu cầu ngưng hoặc thay thế theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp loại ức chế men chuyển phải được dừng trước phẫu thuật 24h. Bệnh nhân có thế chuyển sang một loại thuốc hạ áp khác theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Một số vitamin và thảo dược có thể gây biến chứng chảy máu trong quá trình phẫu thuật. Người bệnh cần phải trao đổi với bác sĩ về các loại sản phẩm bổ sung đang sử dụng.
  • Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn ngưng uống thuốc điều trị đái tháo đường vào buổi sáng ngày phẫu thuật. Bệnh nhân dùng Insulin, bác sĩ có thể đề nghị giảm liều hoặc chỉnh liều theo lượng đường huyết.
  • Nếu người bệnh có bệnh lý ngưng thở khi ngủ, cần thông báo tình trạng với bác sĩ để bác sĩ và điều dưỡng chủ động kế hoạch theo dõi hô hấp cho người bệnh trong và sau khi phẫu thuật.

9. Thời gian thực hiện phẫu thuật

Điều dưỡng sẽ thông báo cho người bệnh thời gian dự tính của ca phẫu thuật. Để chuẩn bị tốt cho ca phẫu thuật, người bệnh sẽ được đưa đến phòng mổ từ 30 – 45 phút trước khi bắt đầu.

10. Đến phòng phẫu thuật

Người bệnh sẽ được nhân viên đưa đến khu vực phòng phẫu thuật. Điều dưỡng khoa sẽ kiểm tra thông tin liên quan đến người bệnh và người đi cùng đến phòng mổ. Người thân được phép đi cùng người bệnh đến cửa phòng phẫu thuật nhưng không được vào bên trong vì đây là khu vực vô trùng.

11. Lời kết

Trên đây là quy trình hướng dẫn bệnh nhân trước khi thực hiện phẫu thuật. Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt hi vọng có thể cung cấp thêm thông tin để bệnh nhân có những chuẩn bị tốt nhất về mặt thể chất cũng như tâm lý đối với những trường hợp cần thực hiện phẫu thuật. Tại bệnh viện hữu nghị Lạc Việt được trang bị đầy đủ trang thiết bị máy móc cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm có thể thực hiện nhiều ca phẫu thuật khó, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho bệnh nhân trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc.

Mọi thắc măc và thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Hotline: 19001269 – 0949232115 để được bệnh viện hỗ trợ!


Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115