Sốt phát ban ở trẻ nhỏ và người lớn: Triệu chứng và cách điều trị

Thứ Năm, 21/03/2024

Sốt phát ban là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với những triệu chứng đặc trưng là những nốt phát ban đỏ nổi ở trên da và sốt cao. Mặc dù đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên khi virus gặp điều kiện thuận lợi thì chúng cũng rất dễ tấn công và gây bệnh cho người lớn. 

1. Sốt phát ban là bệnh gì?

Tác nhân chính gây ra bệnh sốt phát ban là virus, đây là một bệnh lý nhiễm trùng thường gặp. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất thường là ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Bởi trẻ ở trong độ tuổi này có sức đề kháng kém. Hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công.

Các chủng virus gây sốt phát ban ở trẻ em có thể lây lan nhanh chóng giữa người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể; giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi; hoặc tiếp xúc gián tiếp qua vật dụng cá nhân của người bệnh. Vì vậy, trẻ thường xuyên đến những nơi đông người, hay đi nhà trẻ, trường học thì sẽ có nguy cơ lây và mắc bệnh cao hơn.

Đặc biệt là ở người lớn. Khi nhiễm họ thường có triệu chứng rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Như vậy, khi họ tiếp xúc với trẻ sẽ vô tình lây virus cho trẻ khiến trẻ bị sốt phát ban. 

2. Nguyên nhân gây bệnh sốt phát ban

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh sốt phát ban là do lây nhiễm virus human herpes 6 hoặc 7. Loại virus này có khả năng lây từ người sang người, thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh trước đó, hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân với những người bệnh. Điều này sẽ làm lây nhiễm virus gây bệnh sốt phát ban. Đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu, không có khả năng đối kháng với tác nhân gây bệnh. 

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây ra bệnh sốt phát ban: do chấy rận, do bọ chét chuột hoặc do mò mạt. 

3. Triệu chứng nhận biết bệnh sốt phát ban 

– Ở trẻ nhỏ:

Triệu chứng đầu tiên của trẻ thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt. Có thể chỉ sốt nhẹ khoảng 38 độ, hoặc có thể cao hơn ở mức 40 độ. 

Vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4 thì sốt sẽ giảm. Tuy nhiên đây sẽ là thời điểm các nốt phát ban bắt đầu xuất hiện trên da. Các vết ban sẽ có xu hướng lan nhanh, kéo dài khoảng vài ngày. Các nốt này sẽ trông giống như những nốt đỏ lốm đốm trên bề mặt da. 

Chúng có thể xuất hiện đột ngột hoặc dần dần, cũng có thể xuất hiện thành từng đám nhỏ hoặc toàn bộ cơ thể. Tuy nhiên, chúng thường bắt đầu ở vùng đầu mặt trước khi lan sang phần thân, tay chân của trẻ. Các vết này có thể sẽ làm trẻ khó chịu vì chúng gây ngứa. 

Sốt phát ban ở người lớn thường có thời gian ủ bệnh từ 1-2 tuần
Sốt phát ban ở người lớn thường có thời gian ủ bệnh từ 1-2 tuần

Ở người lớn:

Với người lớn, bệnh thường có thời gian ủ bệnh từ trước đó trong khoảng từ 1 – 2 tuần. Sau đó mới gây nên những triệu chứng đột ngột. Điều này khiến bệnh có khả năng kéo dài mãi mới khỏi được bệnh. Trong đó có 3 triệu chứng điển hình, gồm:

  • Sốt cao: Cơn sốt thường xuất hiện đột ngột khiến cho nhiệt độ cơ thể cao ở mức 39 độ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp các hiện tượng như: Sổ mũi, ho, viêm kết mạc, đau đầu,…
  • Da nổi ban đỏ: Khi mới nổi,  các nốt ban sẽ màu hồng nhạt, phẳng hoặc nổi cộm nhẹ trên da. Nốt ban không có tính chu kỳ, thường nổi toàn thân. Trong trường hợp bị nhẹ, các nốt ban có thể chỉ tồn tại vài tiếng, nhưng nếu nặng hơn thì chúng có thể tồn tại đến vài ngày xong mới lặn. 
  • Sưng hạch: Đây là hiện tượng dễ xảy ra với sốt phát ban ở người lớn khi thấy hạch nổi hoặc sưng ở quai hàm, cổ. Bởi hệ miễn dịch đang phản ứng lại với tác nhân gây bệnh.

Ngoài 3 triệu chứng phổ biến thường gặp trên, người lớn mắc bệnh sốt phát ban có thể bị mệt mỏi, đau tai, viêm họng, chán ăn, tiêu chảy,… 

4. Biến chứng của sốt phát ban 

Sốt phát ban được đánh giá là một bệnh lành tính, có các biểu hiện nhẹ. Nhẹ nhưng nếu chủ quan, không điều trị sớm và đúng cách thì chúng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng:

  • Viêm tai giữa
  • Viêm phổi
  • Viêm não: Đây là biến chứng nặng và nguy hiểm nhất của sốt phát ban
  • Hội chứng Guillain Barre

5. Phân biệt các triệu chứng của bệnh sốt phát ban và bệnh sởi

Triệu chứng ban đầu của bệnh Sốt phát ban và bệnh Sởi thường khá giống nhau. Điều này có thể khiến nhiều người nhầm lẫn giữa 2 mặt bệnh này. Tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ thì mọi người có thể dễ dàng phân biệt được 2 mặt bệnh này.

Các triệu chứng của Sốt phát ban

– Các nốt ban có màu đỏ, mịn, ít sần sùi trên bề mặt da

– Các nốt ban thường nổi đồng loạt khắp cơ thể và không theo thứ tự

– Sau khi lặn, các vết ban thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

– Ít gây biến chứng và không nguy hiểm đến tính mạng.

Các triệu chứng của Sởi

– Các nốt ban có màu đỏ sậm, thường có dạng sần, khi sờ vào có cảm giác gồ lên mặt da.

– Các nốt ban không nổi đồng loạt mà thường sẽ bắt đầu phía sau tai, lan xuống mặt, dần xuống ngực, bụng và nổi kín toàn thân.

– Các vết ban này sau khi lặn thường sẽ để lại những vết thâm đặc trưng, hay còn gọi là “vằn da hổ”.

– Gây nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi và phế quản, thanh quản, viêm não, tiêu chảy,…và có thể gây nguy hiểm tính mạng

Bệnh Sởi thường có nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với Sốt phát ban
Bệnh Sởi thường có nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với Sốt phát ban

6. Điều trị sốt phát ban ở trẻ 

Điều trị sốt phát ban ở trẻ chủ yếu là điều trị triệu chứng. Bên cạnh đó là cho trẻ uống nhiều nước và nghỉ ngơi. 

  • Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Tuy nhiên cần phải lưu ý liều lượng phù hợp với cân nặng và mỗi một lần dùng thuốc thì cách ít nhất 4-6 giờ, không nên lạm dụng. Ngoài ra có thể lau người cho trẻ bằng nước ấm khi cần. Điều này sẽ tránh gặp các biến chứng sốt cao dẫn đến co giật ở trẻ.  
  • Nếu trẻ bị ngứa thì có thể chườm mát hoặc dùng một số loại thuốc bôi ngoài da. Tuy nhiên, khi dùng thuốc thì cần phải tham khảo ý kiến của các bác sỹ trước để có sử dụng loại thuốc phù hợp.
  • Nếu bị ho, đau họng thì nên cho trẻ uống các loại thuốc ho theo chỉ dẫn của các bác sỹ. Có thể thông mũi cho trẻ bằng nước muối loãng, khăn mềm. Điều này giúp cho trẻ dễ ăn uống và bú sữa mẹ hơn.
  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Hằng ngày, mẹ nên cho trẻ ăn những loại thức ăn ở dạng lỏng như cháo loãng, súp, sữa,… Cùng với đó là chia nhỏ bữa ăn trong ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đồng thời, mẹ nên cho trẻ ăn nhiều trái cây để bổ sung vitamin. Nhất là vitamin A để tăng sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch, trẻ nhanh khỏi bệnh
  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ

7. Cách phòng ngừa bệnh sốt phát ban

Cách phòng ngừa bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất chính là tiêm phòng Vac-xin. Sởi có thể tiêm ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi. Hiện tại đã có Vac-xin 3 trong 1 gồm Sởi – Quai bị – Rubella (MMR). Vì vậy phụ huynh cần tiêm đúng và đủ liều theo lịch tiêm. 

Tiêm phòng Vacxin là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất
Tiêm phòng Vacxin là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất

Bên cạnh đó, mẹ nên hạn chế cho con tiếp xúc với môi trường dễ gây bệnh, cách ly với trẻ, người lớn bị mắc bệnh sốt phát ban, sởi,… Ngược lại, khi trẻ mắc bệnh thì các bậc phụ huynh cũng cần cách ly trẻ với những người xung quanh để tránh gây bệnh cho người khác. Khi trẻ mắc bệnh trong độ tuổi đến trường thì cần thông báo cho giáo viên để các cô chủ động có biện pháp phòng tránh.

—————————-

Hệ thống Bệnh viện Lạc Việt

🏥 LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 1900 1269 hoặc 0949 232 115
🏥 LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc.     
☎ 𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 0837 732 115