Nguy cơ mắc bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi ở người trẻ

Thứ Ba, 08/11/2022

Bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là tình trạng mô xương bên trong cổ xương đùi không được cấp máu (thiếu nuôi dưỡng) dẫn đến bị phá hủy, ổ hoại tử gây ra đau khớp háng. Bệnh lý này còn được gọi là hoại tử vô khuẩn vì tình trạng hoại tử là do không có máu nuôi dưỡng chứ không phải do vi khuẩn xâm nhập.

Khoa Ngoại – Bệnh viện Lạc Việt vừa tiếp nhận và phẫu thuật thay khớp háng thành công cho hai bệnh nhân bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Điều đáng lo ngại là cả hai bệnh nhân đều còn rất trẻ nhưng tình trạng bệnh đã nặng nề.

Trước Mổ.

Hình ảnh chỏm xương đùi hoại tử ở người bệnh 29 tuổi

Người bệnh nam (29 tuổi, ở Vĩnh Phúc) đến bệnh viện sau khi được điều trị tiêm khớp tại chỗ khớp gối T, đau khớp gối T, vận động hạn chế. Người bệnh được thăm khám, chẩn đoán bị Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hai bên (bên trái đau hơn bên phải). Các bác sĩ khoa Ngoại đã tiến hành hội chẩn Liên chuyên khoa và thống nhất phương pháp phẫu thuật thay khớp háng toàn phần bên trái cho người bệnh. Ca phẫu thuật thay khớp háng trái toàn phần được Thạc sĩ. Bác sĩ. Vũ Minh Hải và ekip phẫu thuật viên của khoa Ngoại thực hiện.
Một trường hợp khác cũng được bác sĩ Hải phẫu thuật thành công là người bệnh nam, 35 tuổi (ở Phú Thọ) vào viện khám trong tình trạng đau khớp háng hai bên, teo cơ đùi hai bên, đau nhiều khi đi lại và bên phải đau hơn bên trái. Sau khi được bác sĩ thăm khám và thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng, người bệnh ngay lập tức được chỉ định nhập viện điều trị với chẩn đoán hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi hai bên và thực hiện phẫu thuật thay khớp háng toàn phần bên phải.

Sau Pt Thử 01 01

Hình ảnh sau phẫu thuật thay khớp háng điều trị hoại tử chỏm xương đùi cho người bệnh 29 tuổi

Sau mổ, cả hai bệnh nhân đều có có tiến triển tốt, được điều trị, theo dõi, chăm sóc vết mổ, tập vận động theo phác đồ của bác sĩ và dự kiến sẽ sớm được ra viện.
Bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi có 2 dạng là:
Nguyên phát: Xảy ra ở khớp háng bình thường nguyên nhân có thể do chỉ số chất béo (Lipid) trong máu cao, dễ gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến lượng máu nuôi xương bị giảm. Chỉ số lipid trong máu cao thường gặp ở người uống rượu nhiều, sử dụng Corticosteroid liều cao hoặc dài hạn.
Thứ phát: Sau chấn thương tác động gây gãy cổ xương đùi (thường gặp ở người già).
Bác sĩ Hải cho biết: “Hoại tử chỏm xương đùi nguyên phát thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên, nam thường gặp hơn nữ. Tuy nhiên hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh”.
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi không có dấu hiệu rõ rệt ở giai đoạn đầu, khi tình trạng nặng hơn người bệnh mới cảm thấy các cơn đau ở khớp háng, mông, có thể lan xuống đùi. Đau nhiều khi vận động, ở giai đoạn muộn người bệnh đau cả khi đã nằm nghỉ ngơi, không thể đi lại bình thường. Chính vì thế người bệnh cần đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe tại cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị và bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.