NGỘ ĐỘC THỨC ĂN

Thứ ba, 09/06/2020

Dung nạp thực phẩm là một nhu cầu thiết yếu của tất cả mọi người. Ai cũng có thể chọn cho mình thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, đẹp mắt, hợp khẩu vị. Thế nhưng, một bữa ăn đảm bảo an toàn, lại là việc khá nan giải trong tình trạng thực phẩm hỗn tạp như hiện tại. Vì vậy, rất dễ dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm, nếu chúng ta không có chế độ ăn cân đối, hợp vệ sinh.

Tại sao chúng ta bị ngộ độc thức ăn

Chúng ta có thể bị “đầu độc” do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (nấm độc, khoai mì, khoai tây mầm, lá ngón, cá nóc….), thuốc tăng trưởng, trừ sâu, chất bảo quản vượt quá mức cho phép trong rau quả, các chất phụ gia, phẩm màu hay do các chủng vi khuẩn (thường là Salmonella, S.aureus, E.coli, Listeria, Clostridium perfringen…) có trong thức ăn được chế biến không vệ sinh, chưa được nấu chín hoặc ôi thiu, thậm chí do nguồn nước ô nhiễm…

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp ngộ độc xẩy ra nhưng không tìm được nguyên nhân.

Nếu chúng ta không có chế độ ăn cân đối, hợp vệ sinh, rất dễ dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm

Những biểu hiện thường gặp

Bạn cần nghĩ đến nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm trong các tình huống sau đây:

  • Mới ăn xong và khó chịu ngay sau đó.
  • Có từ hai người trở lên có biểu hiện triệu chứng bệnh tương tự nhau sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm nào đó. Trong khi đó những người không ăn thì vẫn bình thường.
  • Quan sát thực phẩm thừa thấy có biểu hiện nghi ngờ, như ôi thiu, có mùi lạ, xuất hiện giun sán.

Triệu chứng ngộ độc thức ăn sẽ xuất hiện sau vài phút đến vài ngày sau khi ăn phải thức ăn bẩn. Tùy theo người bệnh ăn phải thức ăn hư hỏng ở mức độ nào mà các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng. Biểu hiện phổ biến nhất có thể kể đến:

  • Sốt.
  • Đau đầu.
  • Tiêu chảy.
  • Đau bụng quằn quại.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
Các triệu chứng có thể gặp nếu bị ngộ độc thực phẩm: Abdominal pain: đau bụng, Diarrhea: tiêu chảy, Fever: sốt, Nausea/vomiting: buồn nôn và nôn, Mailaise: cảm giác nóng lạnh             

Các biểu hiện nguy hiểm của ngộ độc thức ăn:

  • Mất nước.
  • Nhiễm trùng.
  • Rối loạn thần kinh: nhìn mờ, nhìn một thành hai, nói khó, giọng nói ngọng, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt.
  • Rối loạn tim mạch: tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở.
  • Có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân.
  • Tiểu ít (dấu hiệu suy thận).
  • Đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như ngực, cổ, hàm, họng).

 

Diễn tiến bệnh rất khác nhau. Trường hợp nhẹ, các triệu chứng có thể tự giới hạn trong vòng 48 giờ. Nhưng nếu độc lực quá mạnh và sức khỏe không tốt, tình trạng có thể xấu đi rất nhanh.

Người có sức đề kháng của cơ thể kém, cần đặc biệt lưu ý, thăm khám kỹ lưỡng để được điều trị kịp thời. Các đối tượng này bao gồm:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi.
  • Dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch (thường dùng trong bệnh về khớp, ung thư, dị ứng).
  • Người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố.

 

Xử trí ngộ độc thức ăn

Nếu nhận thấy chính mình, hoặc người thân, người xung quanh, đang có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như trên, cần bình tĩnh thực hiện tuần tự các bước sơ cứu sau đây:

1. Gây nôn: Người bệnh mới uống, ăn phải chất độc và bệnh nhân còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc

– Trong trường hợp, người bệnh không có biểu hiện nôn, cách sơ cứu cần thiết là dùng các biện pháp kích thích, để nạn nhân nôn thức ăn ra khỏi dạ dày. Có thể, đặt tay(đã được rửa sạch) vào lưỡi cho người bệnh nhằm kích thích gây nôn. Đây là cách hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể người bệnh. 

– Càng nôn được nhiều thực ăn thì càng tốt. Lưu ý: Khi kích thích gây nôn, bạn nên để nạn nhân nằm nghiêng, đồng thời kê cao phần đầu. Cách làm này sẽ giúp chất độc không bị trào ngược vào phổi, và hạn chế nguy cơ khiến người bệnh bị sặc, ngạt thở. 

2. Uống nước và nghỉ ngơi

– Sau khi nôn và đi ngoài nhiều lần, người bệnh thường bị mất nước rất nhiều. Chính vì thế, cần cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Bạn có thể bù nước bằng cách, cho nạn nhân uống nhiều nước gạo rang hoặc nước oresol.

Lưu ý: Nếu sử dụng nước oresol, các bác sĩ khuyến cáo, cần phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, dùng đúng liều, không pha quá ít hay quá nhiều nước, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch,…

– Nếu nhiều người bị cùng một lúc, không nên cho uống chung oresol hoặc nước gạo rang, vì có thể khiến tình trạng của những người bị nhẹ trở nên nghiêm trọng hơn.

3. Với trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm: càng sớm càng tốt, hãy thông báo đến cơ sở y tế gần nhất, cơ quan y tế dự phòng hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ việc.

∇ Hết sức lưu ý các trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng sau, cần sự can thiệp ngay lập tức của nhân viên y tế:

  • Phân có máu.
  • Sốt cao (nhiệt độ trên 38℃, đo bằng nách).
  • Nôn quá nhiều (có thể dẫn đến mất nước).
  • Dấu hiệu mất nước, bao gồm ít hoặc không đi tiểu, miệng và cổ họng rất khô, hoặc cảm thấy chóng mặt khi đứng lên.
  • Tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.

 

Phòng tránh ngộ độc thức ăn

  • Không ăn hàng bán rong trên vỉa hè, lề đường. Nên ăn uống ở những nơi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo qui định.
  • Không dùng các lọai thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng.
  • Thịt cá, trứng, sữa .. nên mua ở những cửa hàng uy tín và phải được kiểm định.
  • Chế biến, bảo quản thức ăn phải bảo đảm vệ sinh, nên chia khu vực thức ăn sống và đã nấu.
  • Hạn chế dùng thức ăn không được nấu chín (gỏi, cá sống, thịt tái, rau sống ..).
  • Rửa tay trước khi ăn.
  • Ở những bếp ăn tập thể, mẫu thức ăn nên được lưu lại mỗi ngày để tiện việc kiểm tra khi nghi ngờ có ngộ độc.

———————————————————-

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nếu bạn cần hỗ trợ hoặc tư vấn y tế.

Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt – Định Trung, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

☎️☎️SĐT: 02113.656.252. Hotline: 19001269 /0949232115

Bệnh viện khám chữa Bảo hiểm y tế và dịch vụ tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ.

 

BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ LẠC VIỆT.