Bé 27 tháng tuổi nuốt phải nắp pin

Thứ Ba, 30/03/2021

Ngày 24 tháng 3 vừa qua, khoa khám bệnh của Bệnh viện hữu nghị Lạc Việt đã tiếp nhận bé T.N.M, 27 tháng tuổi, Tam Đảo – Vĩnh Phúc vào viện do nuốt phải dị vật kim loại. Theo người nhà kể lại, bé nuốt phải nắp kim loại của cục pin nên gia đình đã đưa bé vào bệnh viện để thăm khám. Hình ảnh chụp x quang cho thấy hình ảnh dị vật cản quang ở vị trí cạnh cạnh gai ngang L2 bên trái, tuy nhiên, quá trình nội soi tiêu hóa lại không tìm thấy dị vật. Bác sĩ nghi ngờ dị vật đã xuống ruột non, nên bệnh nhân được tiếp tục theo dõi tại khoa Ngoại của Bệnh viện. 22h00 cùng ngày, rất may mắn, bệnh nhân M đã đại tiện ra dị vật.

Nuốt dị vật là một vấn đề thường gặp với trẻ em ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi. Trẻ nhỏ thường hay khám phá thế giới xung quanh bằng việc cho mọi thứ vào miệng. Trong nhiều trường hợp, các dị vật sẽ được đưa ra khỏi cơ thể theo đường đại tiện. Nhưng một số trường hợp các dị vật này nằm lại trong đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nặng nề như thủng ruột, tắc ruột hoặc có thể nằm ở thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không cấp cứu đúng cách kịp thời.

bé 27 tháng nuốt phải nắp pin
Nắp pin kim loại bé nuốt phải

Do vậy, Bệnh viện hữu nghi Lạc Việt khuyến cáo cha mẹ hoặc những người chăm sóc trẻ nên để những vật nhỏ dễ nuốt tránh xa tầm tay của trẻ để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Những vật nuốt phải phổ biến nhất là: đồng xu, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ, các bộ phận của những món đồ chơi như xe, máy bay… (nhất là đồ chơi chạy bằng pin).

Ngoài ra để tránh nguy cơ trẻ hóc dị vật, nuốt dị vật, các phụ huynh cần chú ý những vấn đề sau:
– Cần tìm hiểu, nắm rõ về mức độ nguy hiểm của việc để trẻ nuốt phải dị vật.
– Rèn ngay không cho trẻ thói quen ngậm đồ chơi, đồ vật trong nhà của trẻ.
– Phụ huynh không nên cho trẻ cười đùa trong khi ăn. Việc làm này dễ khiến trẻ bị nghẹn, hóc và khiến cho dị vật (nếu có) xuống sâu hơn, khó xử lý.
– Không cho trẻ ăn những thức ăn quá cứng, có nhiều xương; nên cho trẻ ăn những thức ăn nhỏ, mềm…
– Khi cho trẻ ăn, phải quan sát cho trẻ nhai kỹ, chậm rãi và theo dõi trẻ liên tục.

—-

Hệ thống bệnh viện hữu nghị Lạc Việt

LVFH Vĩnh Yên: Đường Nguyễn Tất Thành, Định Trung, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Hotline: 0949 232 115
LVFH Phúc Yên: Đường Hai Bà Trưng, Hùng Vương, TP. Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Hotline: 0837 732 115
Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người bệnh: 1900 1269